PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói: Nhu cầu đầu tư của TP.HCM rất lớn và người dân cũng khao khát có thêm những công trình mới để phục vụ việc đi lại, khám và điều trị bệnh, học hành…
Tuy vậy, khả năng giải ngân của TP chậm so với bình quân chung của cả nước. Tỉ lệ giải ngân của tp.hcm hiện chỉ đạt 26%, thấp hơn 5% so với bình quân cả nước.
Tăng trách nhiệm cán bộ
. Phóng viên: Từ những nghiên cứu tổng thể kinh tế – xã hội của TP.HCM, theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch?
+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Đầu tư công là sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Khi sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục đã được quy định. Đầu tư công bị chi phối rất nhiều bởi các luật: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và hàng loạt quy định khác. Cho nên thủ tục hành chính cho đầu tư công có độ dài.
Ngoài ra, đối với đầu tư công, một trong những khâu quan trọng nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ người dân. Khâu đó phải có thời gian nhất định và phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Quá trình tổ chức đấu thầu cũng cần có thời gian. Trong năm 2022, giá cả biến động rất lớn, nhất là đối với những nguyên vật liệu phục vụ quá trình thi công xây lắp. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Nút giao An Phú rất cấp bách để chống ùn tắc song giải ngân chậm. Ảnh: TQ |
. Ngoài những nguyên nhân trên, một số ý kiến nhận định việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn do sự hạn chế về năng lực, thậm chí có tình trạng sợ trách nhiệm, né trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý?